Tạo "lửa" cho người lao động trong doanh nghiệp -
RussiaKD - 12-01-2022
Ông Nguyễn Đức Thiện, Tổng giám đốc EVNNPC chia sẻ tại hội thảo. Ảnh: Đức Dũng/BNEWS/TTXVN
Hội thảo nhằm chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm phát triển nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong hoạt động của doanh nghiệp,
Theo ông Nguyễn Đức Thiện, Tổng giám đốc EVNNPC, tại tổng công ty trong những năm qua, việc tổ chức nhân sự thực hiện tốt trong quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đánh giá nhận xét, lấy phiếu tín nhiệm hàng năm, về tổ chức bộ máy, xây dựng quy chế trả lương, thưởng… Đặc biệt là việc bố trí sử dụng lao động tại các đơn vị một cách như thế nào cho hợp lý.
Tổng công ty cũng làm tốt các phong trào thi đua, khen thưởng, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, thi đua lao động sản xuất, để nâng cao năng suất lao động, tạo đòn bẩy cho người lao động thực hiện tốt nhiệm vụ thời gian qua.
Ông Nguyễn Đức Thiện cho hay, nhờ đó, người lao động có chuyên môn phù hợp với thực tế lao động của đơn vị, có đào tạo chuyên sâu, đúng chuyên ngành. Việc đào tạo đổi mới nhân lực đã được tổng công ty thực hiện mạnh mẽ trong nhiều năm qua với sự đầu tư phát triển gồm cả kế hoạch ngắn hạn và dài hạn trên cơ sở tổng hợp đánh giá nhu cầu chiến lược và nhu cầu hàng năm của các đơn vị nhằm đáp ứng yêu cầu của sản xuất kinh doanh đồng thời nâng cao trình độ của cán bộ công nhân viên.
Tuy nhiên, ông Thiện cho rằng, chương trình tổ chức nâng cao chất lượng cho nhân lực tại các đơn vị còn mang tính tự phát, chưa đồng bộ, nên có đơn vị làm rất tốt, nhưng có đơn vị còn hời hợt. Qua góc độ triển khai, chưa có công cụ đánh giá xem làm tốt hay chưa, nên còn nhiều bất cập trong sản xuất kinh doanh tại một số đơn vị. Điều này dẫn đến những rủi ro về an toàn, lao động sản xuất.
Trong thời gian tới, khi yêu cầu đòi hỏi cao hơn về chuyển đổi số, số hóa các sản phẩm, dịch vụ sẽ tạo nhiều áp lực công việc mới, vị trí mới. Làm sao sắp xếp để không giảm việc làm mà vẫn tăng năng suất lao động, thu nhập. Quan trọng hơn là phải hướng tới môi trường làm việc tốt, tạo động lực cho người lao động, để họ có nhiệt huyết hơn với công việc; từ đó, chất lượng đời sống, tinh thần của người lao động được nâng cao, ông Nguyễn Đức Thiện nói.
Trao đổi tại hội thảo, TS. Giản Tư Trung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục IRED, trong bối cảnh thế giới biến động nhanh và khó lường như hiện nay, mọi giá trị đều bị thách thức, nhiều chuẩn mực bị đảo lộn. Do vậy cần tư duy lại mọi thứ, từ tư duy lãnh đạo, tư duy công việc và nhân tài để từ đó tạo tiền đề nâng cao hơn nữa chất lượng nguồn nhân lực, chất lượng công việc trong đơn vị.
Chuyên gia Giản Tư Trung trao đổi tại hội thảo. Ảnh: Đức Dũng/BNEWS/TTXVN
"Vậy làm sao để tư duy lại lãnh đạo và tư duy lại nhân tài. Một trong những thiên chức quan trọng nhất của lãnh đạo là truyền cảm hứng, truyền "lửa". Người lãnh đạo sinh ra là tạo động lực cho người lao động. Ở đâu có cảm hứng thì ở đó có sinh khí, có chất lượng lao động. Tuy vậy, trước khi muốn truyền "lửa" thì bản thân người lãnh đạo phải có đủ "lửa", đủ nhiệt huyết trong công việc; từ đó, tự khắc sẽ lan tỏa sang những đối tượng khác. Nếu muốn thay đổi tư duy lãnh đạo phải bắt đầu từ chính lãnh đạo", TS Giản Tư Trung.
Cũng theo chia sẻ từ Trưởng ban tổ chức nhân lực của Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội Viettel - Vũ Thị Mai, tại Viettel, vai trò của lãnh đạo, người quản lý là cán bộ 3 trong 1, vừa là chuyên gia, vừa là quản lý, vừa là lãnh đạo. Người lãnh đạo có trách nhiệm chỉ huy và gắn kết người lao động với nhau; trong đó xây dựng môi trường làm việc lành mạnh, giúp nhân viên khám phá tiềm năng.
Quan điểm về sử dụng nhân lực là linh hoạt nhiều giải pháp, nhiều hình thức sử dụng lao động thay thế cho việc tập trung vào giải pháp, liên quan đến tuyển dụng; trong đó giải pháp về xây dựng môi trường làm việc để cơ quan là nơi nuôi dưỡng nhân tài…, bà Vũ Thị Mai cho hay./.
Theo bnews.vn